TIN TỨC & SỰ KIỆN
Hội thảo “Thiết kế kiến trúc cảnh quan Thành phố Sơn La ứng phó với biến đổi khí hậu”
Hội thảo kỹ thuật (Workshop) được triển khai tại hai địa điểm là TP Sơn La và TP Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 01/04 đến hết ngày 18/04/2022, với mục tiêu đề xuất xây dựng và cải tạo phát triển khu vực cho các không gian mặt nước và hệ thống kênh mương thoát nước trên địa bàn thành phố gắn liền với yếu tố thủy văn. Phiên cuối ngày hôm nay là để tổng kết và chia sẻ các kinh nghiệm từ chuỗi hoạt động kéo dài từ 01-18/4/2022.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Nằm trong mục tiêu phát triển “An toàn – Thân thiện – Đậm đà bản sắc”, thành phố Sơn La đã đưa ra những định hướng cụ thể về mặt quy hoạch trong khâu nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng thoát nước và hệ thống mặt nước. Điều chỉnh này được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết trong hệ thống điều tiết thoát nước cũng như phục vụ nhu cầu phát triển không gian công viên cây xanh mặt nước công cộng trong đô thị. Tuy nhiên, những tác động trong quá trình quy hoạch đã làm cho việc phát triển đô thị trở nên không đồng nhất và lấn chiến ngày một nghiêm trọng các khu dân cư và đô thị, ảnh hưởng đến giá trị về mặt không gian cũng như quy mô của diện tích mặt nước của vùng. Những tác nhân này có liên quan trực tiếp đến môi trường sinh thái và khí hậu của thành phố, đặt ra những đòi hỏi cấp thiết của việc bảo vệ, nâng cấp và phát triển cảnh quan tại các địa điểm mặt nước tự nhiên và hệ thống thoát nước.
Quan điểm tiếp cận từ thực địa của hội thảo kỹ thuật này là xác định và phát huy những giá trị bản địa hiện hữu thông qua khảo sát hiện trạng, vẽ ghi và phân tích để đề xuất các ý tưởng thiết kế kiến trúc cảnh quan có tính thực tiễn và khả thi cao nhằm giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Việc vẽ ghi, ký họa những nét bản sắc, giá trị văn hoá và cảnh quan của địa phương và triển lãm tại Sơn La và Hà Nội là một kết quả quan trọng của Workshop trong việc ghi nhận những giá trị bản địa của Sơn La tới cộng đồng.
Ông Olivier Gillard, Chuyên gia Thủy văn, Trưởng nhóm dự án của AFD, chia sẻ rằng ông tin tưởng hoạt động này là một cơ hội tốt để các bạn trẻ đưa ra các ý tưởng sáng tạo mới, đồng thời tham gia đối thoại về quản trị rủi ro thiên tai và quản trị tài nguyên nước.
“Tác động vào yếu tố nước là tác động đến biến đổi khí hậu, bởi biến đổi khí hậu và các yếu tố thủy văn không tách rời nhau mà có mối liên hệ qua lại chặt chẽ. Việc chỉnh trị dòng sông hay tác động tới tài nguyên nước chính là cách để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, rủi ro thiên tai, lũ lụt vẫn sẽ còn đó, khó có thể xóa bỏ hoàn toàn, chúng ta chỉ có thể thích ứng và giảm nhẹ. Các bên liên quan bao gồm nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật, và cả người dân… đừng bỏ qua yếu tố này trong quy hoạch thành phố”, ông Olivier nhấn mạnh
Thành phần đoàn giảng viên hướng dẫn và các sinh viên tham gia Workshop lần này có sự đồng hành của các giảng viên đến từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Cảnh quan Quốc gia Toulouse (Pháp), Trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie (Pháp) và Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh đó, đoàn sinh viên tham gia vào dự án bao gồm 40 sinh viên được tuyển chọn đến từ các chuyên ngành Kiến trúc, Mỹ thuật, CLB Truyền thông của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thuộc Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế, sinh viên ngành Kiến trúc Trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Pháp, phối hợp với các sinh viên chuyên ngành Sinh học, Địa lý, Kinh tế, Quản lý tài nguyên thuộc các trường/đơn vị đối tác như Khoa liên ngành Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Tây Bắc và Đoàn Thanh niên thành phố Sơn La.
Đoàn công tác thực địa tại tỉnh Sơn La
Chia sẻ trước thềm sự kiện, ông Conan Herve, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết; “Mục tiêu sự tham gia của các sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong Dự án Phát triển Khả năng Chống chịu của Thành phố Sơn La là để bổ sung cho các nghiên cứu kỹ thuật được thực hiện như một phần của dự án, với những phân tích được thực hiện theo một hình thức khác. Chúng tôi hy vọng rằng hình thức hội thảo này sẽ tạo ra những ý tưởng sáng tạo và mới mẻ, cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và người dân có cái nhìn khác không chỉ về thành phố và vùng lân cận của họ, mà còn về các cách tiếp cận khác nhau để phát triển nhằm nâng cao tiềm năng của thành phố. Hội thảo sẽ thành công nếu các học viên cao học đưa ra được các giải pháp thú vị và khả thi cho các vấn đề quy hoạch. Và nếu các học viên kiến trúc gợi mở được các ý tưởng mới cho Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về quy hoạch thành phố mà AFD và Ủy ban chưa nghĩ đến trước đây, điều đó có thể đưa dự án đi theo hướng tích cực mới”.
Còn ông Pr. Dominique LAFFLY, Tùy viên Hợp tác khoa học và đại học, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết ông chắc chắn rằng sự tham gia của sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và sinh viên của trường vào các hoạt động của dự án là một ý tưởng sáng tạo và có thể nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa, bởi vì họ có một quan điểm mới về quản lý thành phố với mối liên hệ chặt chẽ với những thách thức thực tế cho một thành phố bền vững. Và, với Đại học Kiến trúc, còn có thêm khía cạnh nghệ thuật rất thú vị.
Đại học Kiến trúc là một ví dụ hoàn hảo về mối quan hệ hợp tác lâu dài với các trường kiến trúc và đại học của Pháp. Hôm nay chúng ta có thể quan sát kết quả của sự hợp tác này thông qua các giảng viên Đại học Kiến trúc trước đây từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Pháp. Họ hỗ trợ và phát triển hoạt động nghiên cứu rất mạnh mẽ và đó là chìa khóa thực sự để hình dung một tương lai bền vững trong bối cảnh trái đất nóng lên.
Phương pháp được sử dụng trong hội thảo này liên quan đến nghiên cứu «có sự tham gia» trong đó tất cả các tác nhân và người dân đều tham gia để cùng nhau suy nghĩ về đáp án cho câu hỏi. Phương pháp «khoa học tích cực» hàng đầu này rất quan trọng vì công dân được coi như một phần thực sự của hệ thống. Và vì vậy, họ sẵn sàng làm điều tốt nhất. Đại học Kiến trúc dẫn đầu về phương pháp luận đó ở Việt Nam vì một số phó giáo sư thực tế đã làm luận án tiến sĩ của họ tại Pháp! – ông Pr. Dominique LAFFLY chia sẻ.
Toàn cảnh buổi hội thảo tại tỉnh Sơn La
Ông Đào Mạnh Chiến, Phó ban quản lý dự án ODA tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, Ban quản lý các dự án ODA tỉnh Sơn La được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề xuất chủ trương đầu tư dự án“ Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La”. Các nội dung tham gia của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và các sinh viên của trường đã được xác định hướng vào các hoạt động thiết kế ý tưởng hạ tầng công viên, hồ điều hòa, mương thoát lũ thuộc một trong các hợp phần của dự án. Hợp phần này đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo khả năng thoát nước, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đô thị của thành phố và được gắn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao của công đồng dân cư. Chúng tôi đánh giá rất cao về bề dày kinh nghiệm của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng như khả năng sáng tạo của các em sinh viên và tôi tin tưởng sẽ được tận mắt chứng kiến nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo mới lạ, hiện đại và đậm đà sắc dân tộc vùng Tây Bắc.
Qua sự kiện này, chúng tôi cũng hy vọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa tỉnh Sơn La, thành phố Sơn La với Cơ quan phát triển Pháp - AFD và nhà trường; kỳ vọng rất lớn vào các sản phẩm thiết kế của các em sinh viên có tính thực tiễn cao để được triển khai vào thực tế và dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La sẽ nâng cao được hiệu quả của vai trò dự án như đã nói ở trên. Đồng thời, chúng tôi cũng mong nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cấp chính quyền, người dân của thành phố trong thời gian tới, để dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai đạt hiệu quả, góp phần xây dựng thành phố Sơn La phát triển xanh - nhanh - bền vững, từng bước đáp ứng các tiêu chí trở thành đô thị loại I trong thời gian tới – ông Chiến chia sẻ thêm.
Hội thảo “Thiết kế kiến trúc cảnh quan thành phố Sơn La ứng phó với biến đổi khí hậu” là một hoạt động thuộc dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La”, một trong số các dự án do AFD và EU tài trợ thông qua Quỹ WARM (Water Resources Management facility). Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Sơn La do tỉnh Sơn La đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai lập đề xuất dự án để xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Nội dung của ấn phẩm này thuộc trách nhiệm duy nhất của AFD và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Liên minh Châu Âu.
136 lượt xem